Hệ cơ là gì? Cấu tạo, chức năng & cách chăm sóc
Hệ cơ là một thành phần quan trọng của hệ thống cơ xương khớp. Có chức năng giúp cơ thể chuyển động, đồng thời sản sinh và duy trì nhiệt độ cơ thể. Những bệnh lý về hệ cơ gây ra các triệu chứng đau cơ đặc hiệu, gây yếu cơ, cản trở trong vận động hằng ngày. Chăm sóc và duy trì chức năng giúp bạn có thể lực tốt, nền tảng sức khỏe ổn định, và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Hệ cơ là gì?
Hệ cơ là một thành phần quan trọng của cơ thể, là nhóm mô sợi được phân bổ khắp nơi, gắn liền với xương, nội tạng và cả mạch máu. Thực hiện chức năng chính gồm: chuyển động, sinh nhiệt, tuần hoàn máu.
Cơ thể có 3 nhóm mô cơ chính bao gồm: cơ vân (cơ xương), cơ tim và cơ trơn. Trong đó, cơ vân là nhóm cơ tự nguyện, hoạt động dưới sự kiểm soát của hệ thần kinh. (1)
Các loại cơ bắp ở người
1. Cơ vân (cơ xương)
Cơ vân (hay cơ xương) là nhóm cơ lớn chiếm hơn 40% trọng lượng cơ thể với hơn 600 cơ. Mỗi sợi cơ có chứa nhiều nhân bên trong, thành ngoài sợi cơ có những vân sọc ngang nên được gọi là cơ vân. Các bó cơ vân hoạt động độc lập với các bó cơ lân cận khác.
Trong 3 nhóm cơ, cơ vân là nhóm cơ tự nguyện, chịu trách nhiệm thực hiện các chuyển động theo ý muốn của con người, được kiểm soát bởi hệ thần kinh. Cụ thể, cơ vân thực hiện các vận động lớn của hệ xương gồm động tác thể thao như chạy, nhảy, bật xa… và duy trì tư thế.
2. Cơ trơn
Cơ trơn có kích thước nhỏ hơn cơ xương, chỉ khoảng 5 micromet đường kính và tối đa 50 micromet chiều dài. Khác với cơ xương bám vào xương, cơ trơn bao quanh các cơ quan nội tạng như ruột, dạ dày, bàng quang, tử cung… để giúp các cơ quan hoạt động đúng với chức năng. Tế bào cơ trơn có chứa một nhân trung tâm và không có vân tại màng ngoài. Khả năng đàn hồi của cơ trơn cao hơn cơ xương.
Các sợi cơ trơn có cơ chế co bóp không tự nguyện, chủ yếu tham gia vào các hoạt động bên trong của cơ quan nội tạng. Cụ thể:
- Cơ trơn nhiều đơn vị: Là những sợi cơ trơn riêng lẻ, hoạt động riêng lẻ dưới sự kiểm soát của một hệ thần kinh độc lập. Nằm ở những vị trí như: cơ mi mắt, cơ dựng lông,…
- Cơ trơn một đơn vị: Một bó cơ gồm nhiều sợi cơ hợp lại, còn được gọi là cơ trơn tạng. Nằm bám tại các cơ quan rỗng ở các hệ tiết niệu hệ tiêu hóa, hệ hô hấp,…
3. Cơ tim
Cơ tim là nhóm cơ của tim, thực hiện co bóp để tuần hoàn máu và các hoạt động khác của tim. Cấu trúc của tế bào cơ tim chứa lượng canxi cao, và nguồn ion chuyên biệt mà cơ xương không có. Vì vậy, cơ tim đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể người.
Tim được cấu thành từ ba lớp: màng ngoài tim, cơ tim và nội tâm mạc. Trong đó, nội tâm mạc là các tế bào biểu mô vảy tạo thành buồng tim và van tim. Màng tim là túi xơ bao quanh tim. Cơ tim hay mô chính của thành tim là các tế bào phân nhánh, chứa nhiều ti thể, hoạt động không tự chủ dưới sự kiểm soát của hệ thần kinh.
Hệ cơ có chức năng gì?
Hệ cơ thực hiện các chuyển động của cơ thể người, từ chủ động đến không tự chủ; từ đơn giản đến phức tạp. Cụ thể: (2)
- Cơ xương : Tạo ra chuyển động của cơ thể và duy trì tư thế. Những hoạt động tự chủ như đi lại, chạy nhảy, viết chữ, nhai thức ăn…. Ngoài ra, cơ xương cũng đảm nhận chức năng: tạo ra nhiệt cho cơ thể; chuyển đổi năng lượng hóa học thành năng lượng cơ học; dự trữ các chất dinh dưỡng trong cơ thể; ổn định hệ khớp.
- Cơ trơn: Chức năng của cơ trơn rất rộng, chủ yếu là thực hiện co bóp giúp các cơ quan được hoạt động đúng chức năng. Cơ trơn có mặt ở các cơ quan gồm: hệ tiêu hóa (vận chuyển thức ăn), mạch máu (điều hòa lượng máu và huyết áp), thận, niệu quản, bàng quang (điều hòa lưu lượng nước tiểu), cơ quan sinh dục (tạo ra cơ co thắt khi sinh con, giải phóng tinh trùng), dựng lông bằng cơ dựng lông, giãn nở của đồng tử mắt…
- Cơ tim: Chức năng chính của cơ tim là bơm máu vào vòng tuần hoàn bằng cách co bóp các bó cơ. Chất lượng hoạt động của cơ tim liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như: nhu cầu trao đổi chất của cơ thể, lượng acid béo, carbonhyrate, proten và xeton…
Những bệnh lý ảnh hưởng đến cơ thường gặp
Những tình trạng đau nhức cơ bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh khác nhau. Hoặc đau nhức cơ tạm thời, kéo dài tối đa một vài tuần, cũng có thể là kết quả của việc vận động nhiều bất thường, các cơ kéo dãn quá mức so với bình thường sẽ gây ra tình trạng đau cơ. (3)
1. Ung thư
Ung thư là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao nếu không được phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh gây ra đau đớn cho người bệnh với nhiều nguyên do khác nhau. Có thể do quá trình điều trị, thực hiện các phương pháp xét nghiệm, hoặc đau do triệu chứng bệnh.
Khối u lớn dần có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như xương, dây thần kinh, tủy sống, các cơ quan khác… Khối u chèn ép dẫn đến đau đớn có thể là nguyên nhân của tình trạng đau cơ ở người bị bệnh ung thư.
2. Bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim là sự rối loạn nguyên phát đến từ cơ tim. Tình trạng rối loạn đồng nghĩa với việc cơ tim bị ảnh hưởng, giảm chức năng hoạt động. Bệnh thường có khả năng cao xảy ra ở người có bệnh sử bệnh mạch vành.
Ở giai đoạn sớm người bệnh thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng đặc hiệu. Những vấn đề sức khỏe thường gặp gồm: mệt mỏi, mất năng lượng, khó thở, sưng chân…
3. Rối loạn đau mạn tính
Những bệnh rối loạn đau mạn tính thường có căn nguyên ban đầu từ thoái hóa, chấn thương, viêm cơ, dần tiến triển thành cơn đau mạn tính. Tình trạng đau tái phát sẽ diễn ra nhiều lần hoặc kéo dài nếu không được điều trị triệt căn.
Các bệnh lý gây đau cơ mạn thường gặp:
- Đau cơ xơ hóa
- Viêm đa cơ
- Thoái hóa cột sống
Rối loạn đau mạn tính gây ra những cản trở trong sinh hoạt của người bệnh vì các cơn đau tái đi tái lại. Ngoài ra, nếu không tuân thủ điều trị đúng phác đồ, hệ cơ của người bệnh cũng sẽ bị tác động, và giảm chức năng, gây ra đau kèm teo, yếu cơ.
4. Chấn thương
Chấn thương đột ngột thường do tai nạn hoặc chấn thương trong thể thao. Gây tổn thương đến nhiều cơ quan trong hệ vận động, bao gồm hệ cơ. Các cơ quan bên trong hệ vận động liên kết với nhau chặt chẽ, dù các nhóm cơ không bị tổn thương sau chấn thương, cũng sẽ ảnh hưởng chức năng hoạt động, ít nhất là đến khi người bệnh hồi phục sau chấn thương. Tùy vào mức độ chấn thương, cơ quan bị chấn thương mà hệ cơ sẽ gây ra cơn đau nặng hay nhẹ.
5. Viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn phổ biến, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như: khớp, phổi, da… Bệnh thường gây sưng đau các khớp nhỏ, gây đau teo yếu, cơ, biến dạng/cứng khớp, và có thể gây tàn phế.
Cần làm gì để hệ cơ khỏe mạnh?
Hệ cơ cần được chăm sóc bằng một lối sống khoa học, và các hoạt động thể thao đều đặn. Những bài tập thể dục sử dụng sức mạnh như tập tạ giúp cho cơ bắp được kích thích và phát triển. Các sợi cơ dày hơn sẽ chắc chắn, thực hiện các chuyển động mượt mà hơn.
Những bài tập thể lực giúp nhóm cơ được phát triển chắc khỏe:
- Chống đẩy, hít đất
- Bài tập squat giúp làm khỏe các nhóm cơ thân dưới
- Bài tập plank giúp làm khỏe vùng cơ trọng tâm, cột sống
- Bài tập kéo xà giúp làm khỏe các nhóm cơ tay, thân.
Đối với cơ tim, để có thể chăm sóc và duy trì sức khỏe cơ tim bạn cần thực hiện những bài tập liên quan đến sức bền như các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bơi lội, chạy bộ…
Việc kết hợp giữa luyện tập sức mạnh và luyện tập sức bền sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất để hệ cơ được cải thiện và phát triển một cách toàn diện gồm cả thể lực, sức khỏe tim, phổi và tuần hoàn máu.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần kết hợp với những thói quen tốt. Loại bỏ những thói quen xấu, gây hại đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh. Những thói quen bạn cần xây dựng và duy trì để có sức khỏe hệ cơ tốt là:
- Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng; đầy đủ các nhóm chất và vitamin
- Ngủ đủ giấc, từ 7-8 tiếng/ngày
- Vận động thẻ dục thường xuyên
- Không lạm dụng rượu bia
- Hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá
Chạy bộ là môn thể thao giúp hệ cơ chắc khỏe